Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

Viện kiến trúc Viar - 35 năm dấu ấn thời gian (PI)



Những ngày đầu xuân 2015, Viện Kiến trúc Quốc gia (VIAr) đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm hình thành và phát triển. Trải qua nhiều chặng đường lịch sử với biết bao những thăng trầm, thử thách, đến hôm nay tên Viện Kiến trúc Quốc gia một lần nữa được khẳng định rõ nét qua dấu mốc một năm tái thành lập Viện. Với sự quyết tâm, nỗ lực của tập thể lãnh đạo và đội ngũ cán bộ viên chức của Viện hôm nay, VIAr vững vàng bước sang một chặng đường mới, khẳng định vai trò, thế mạnh của một Viện nghiên cứu đầu ngành về lĩnh vực kiến trúc.
Đồng hành cùng lịch sử đấu tranh và phát triển đất nước, dọc dài theo khắp dải đất Việt Nam có thể thấy sự hiện diện của các công trình xây dựng, thấy bàn tay lao động, sức sáng tạo bền bỉ của những cán bộ ngành Xây dựng luôn đồng hành góp phần thay đổi diện mạo đất nước. Đóng góp chung vào sự nghiệp ấy là công sức của tập thể cán bộ viện Kiến trúc quốc gia. 35 năm qua, cán bộ, nhân viên của Viện đã không ngừng nỗ lực, cố gắng để ghi dấu ấn của mình trên những chặng đường. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III, năm 1960 đã nêu: “... Tăng cường công tác thiết kế, tăng cường đào tạo cán bộ thiết kế, xây dựng tiêu chuẩn quy phạm và các thiết kế mẫu và tiến dần từng bước lên thiết kế điển hình”. Với tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước lâu dài, chủ tịch HCM đã rất chú trọng quan tâm đến kiến trúc quy hoạch. Bác từng khẳng định: “Trong 4 điều quan trọng cho dân sinh, ở và đi là 2 vấn đề cũng cấp thiết như ăn với mặc. Vì vậy việc kiến trúc là việc rất quan trọng, chúng ta phải tùy hoàn cảnh mà xây dựng ngay trong khi kháng chiến và
sau khi kháng chiến thành công”. Trên cơ sở đó, tháng 12 năm 1962, Vụ thiết kế tiêu chuẩn và vụ kỹ thuật thuộc Ủy ban kiến thiết cơ bản nhà nước được thành lập. Đến ngày 26/7/1979, Viện Tiêu chuẩn hóa và Điển hình hóa Xây dựng ra đời và đổi tên thành Viện Tiêu chuẩn hóa và Thiết kế điển hình vào năm 1985.
Năm 1988, Thành lập Viện Tiêu chuẩn hóa xây dựng thuộc Bộ Xây dựng. Có thể nói, điểm mốc lịch sử này đánh dấu tiếng nói của giới kiến trúc đối với những vấn đề về kiến trúc VN đương thời. Lần đầu tiên, các vấn đề về Nghiên cứu Lịch sử Kiến trúc Việt Nam và kiến trúc thế giới được giao nhiệm vụ cho Viện. Để xây dựng định hướng và phát triển chính sách kiến trúc gìn giữ bản sắc dân tộc, xây dựng nền kiến trúc VN hiện đại, tháng 12/1996, Viện Nghiên cứu Kiến trúc được thành lập, sau đổi tên thành Viện nghiên cứu kiến trúc Quốc gia theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ngày 23/5/2007. 

>>> BID thành lập năm 2006 với dự án đầu tiên làm chủ đầu tư là chung cư 99 Trần Bình
 
Tháng 4/2008, Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn được thành lập trên cơ sở sát nhập Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn với Viện Nghiên cứu Kiến trúc quốc gia. Đến tháng 10/2013 Viện Kiến trúc quốc gia (VIar) được tái thành lập, khẳng định nhiệm vụ quan trọng của việc kiến tạo xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại và bản sắc và cần có một Viện Nghiến cứu chiến lược và phát triển kiến trúc chuyên sâu mang tầm cỡ quốc gia. 35 năm xây dựng trưởng thành, Viện Kiến trúc quốc gia luôn đặt nhiệm vụ phục vụ công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực kiến trúc, hướng đến xây dựng một nền kiến trúc Việt Nam hiện đại và bản sắc.
Trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn và điển hình xây dựng ngày càng cụ thể hóa
các vấn đề về nhà ở, nhà công vụ, trường học, bệnh viện, các công trình phục vụ cho chương trình nông thôn mới, chương trình kiên cố hóa trường học… Viện đã xuất bản 09 tập thông báo thiết kế và gần 20 đầu sách về thiết kế điển hình. Viện là đơn vị tiên phong trong việc nghiên cứu bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các quỹ di sản kiến trúc như: Nghiên cứu bảo tồn khu phố cổ, phố cũ, làng truyền thống… Ngoài ra, Viện đã có những đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước ở thập niên 90 như “Phát triển kiến trúc nhà ở tại các đô thị VN đến 2010”, “Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020”…

Xem tiếp phần II

0 nhận xét:

Đăng nhận xét